Nguồn: nguoichannuoi.vn
Để có được đàn vịt con khỏe mạnh, tỷ lệ nuôi sống và độ đồng đều cao người nuôi vịt cần chú ý làm tốt một số vấn đề sau đây:
Chuồng nuôi
Vịt con trong giai đoạn này sử dụng quây úm bằng cót ép, hoặc có thể dùng bạt, gạch để ghép thành từng ô để úm vịt, đảm bảo chiều cao 0,5m. Nền chuồng lát gạch hoặc láng xi-măng; sử dụng trấu, phôi bào hoặc rơm rạ băm nhỏ, đảm bảo khô sạch và không bị hôi mốc. Trước khi đưa vịt vào nuôi thì quây úm phải được sưởi ấm, đảm bảo không có gió lùa. Người chăn nuôi nên dùng các chụp sưởi, bóng đèn hồng ngoại để sưởi ấm cho vịt. Để đảm bảo cho vịt con khỏe mạnh nhiệt độ chuồng nuôi đối với vịt 1 tuần tuổi phải đạt 31 – 320C và thời gian chiếu sáng là 24 giờ; tuần thứ 2: 30 – 310C, thời gian chiếu sáng 24 giờ; tuần thứ 3: 29 – 300C, thời gian chiếu sáng từ 16 – 18 giờ; tuần thứ 4: 26 – 270C, thời gian chiếu sáng 16 -18 giờ; sau 4 tuần sử dụng ánh sáng tự nhiên để vịt thích nghi với môi trường bên ngoài.
Độ ẩm không khí
Độ ẩm thích hợp cho vịt con là 60 – 70%, song ở nước ta độ ẩm không khí rất cao có khi lên tới 80 – 90%. Nếu độ ẩm cao, nền chuồng ướt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe vịt con. Người chăn nuôi cần thường xuyên thay chất độn chuồng và tạo thông thoáng chuồng nuôi tốt để giữ cho vịt ấm chân và sạch lông
Nước uống
Vịt là thủy cầm cần rất nhiều nước uống, đảm bảo nước phải sạch và thường xuyên. Khi nuôi vịt theo phương thức nuôi khô không có nước bơi lội chỉ dùng nước cho vịt uống nhưng bản tính của vịt vẫn sử dụng nước uống để vẩy lên tắm khô cho nên lượng nước phải tăng gấp đôi so với nhu cầu nước uống và nước trong máng uống sẽ nhanh bẩn do vậy phải cấp đủ và thay nước thường xuyên để đảm bảo nước uống luôn sạch sẽ. Lưu ý vịt ở tuần tuổi thứ nhất không cho uống nước lạnh dưới 100C, tuần tuổi thứ 2 và 3 không cho uống nước lạnh dưới 60C và cũng cần hạn chế vịt uống nước trên 250C. Nhu cầu nước uống trung bình: vịt 1 – 7 ngày tuổi: 120 ml/con/ngày; vịt 8 – 14 ngày tuổi: 250 ml/con/ngày; 15 – 28 ngày tuổi: 350 ml/con/ngày.
Thức ăn
Không sử dụng thức ăn có chất kích thích tăng trọng, có các hóa chất cấm trong chăn nuôi. Nuôi vịt trong giai đoạn 1 – 4 tuần tuổi dùng thức ăn hỗn hợp dạng viên cho ăn trực tiếp hoặc dùng thức ăn đậm đặc phối trộn với nguyên liệu tại địa phương theo hướng dẫn của nhà sản xuất, hoặc có thể sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như: ngô, thóc, đậu tương, cám, cá, bã rượu… cho vịt ăn để hạ giá thành sản phẩm.
Nuôi dưỡng, chăm sóc
Vịt sau khi nở khô lông cho ăn uống càng sớm càng tốt theo khẩu phần ăn tự do. Nên chia thành nhiều bữa để đảm bảo thức ăn cho vịt luôn mới, không bị ẩm ướt hay dính bẩn. Vịt con từ lúc mới nở đến 1 tháng tuổi cần chọn nguồn thức ăn tốt, nước uống sạch. Giai đoạn vịt con từ 1 – 3 ngày tuổi cho vịt con ăn 4 – 5 bữa/ngày. Khi vịt được 4 – 10 ngày tuổi tập cho vịt ăn thêm rau xanh, nên trộn lẫn với cơm, bổ sung thêm thức ăn giàu đạm từ ít đến nhiều, đồng thời tập cho vịt xuống nước tắm, những ngày đầu chỉ cho vịt xuống nước từ 5 – 10 phút, sau đó tăng dần lên 30 phút và ngày thứ 10 trở đi cho vịt xuống nước tự do. Hàng ngày cần quan sát các hoạt động của đàn vịt, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường liên quan đến sức khỏe, dịch bệnh để có biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu tỷ lệ còi cọc và hao hụt ở đàn vịt nuôi.
Phòng bệnh
Hàng ngày, vệ sinh sạch sẽ khu vực nuôi úm vịt con, khi thấy có chất thải nhiều và chất độn chuồng bị ướt, hôi thối nặng mùi phải thu gom để xử lý và tiến hành thay mới. Đối với máng ăn, máng uống phải được kiểm tra hàng ngày, vệ sinh sạch sẽ; sau mỗi đợt chăn nuôi phải được vệ sinh làm sạch và khử trùng trước khi tái sử dụng cho lứa nuôi mới. Định kỳ khử trùng khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột và các loại hóa chất như: Benkocid, Omnicide, Han Iodine, Virkon, Povidine… Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn vịt nuôi.
Văn Thắng
Khoa học kỹ thuật
Add comment