Sáng ngày 03 tháng 04 năm 2025, tại Hội trường Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Củ Chi và sáng ngày 15 tháng 4 năm 2025 tại Hội trường Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bình Chánh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức các cuộc họp đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở hoạt động chăn nuôi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại cuộc họp, đại diện các cơ sở chăn nuôi đã thẳng thắn nêu lên những thắc mắc, khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động chăn nuôi, tập trung một số vấn đề như: việc cấp phép xây dựng chuồng trại, giá thuê đất nông nghiệp, vấn đề xử lý môi trường,…; đồng thời có nhiều đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, chủ trì cuộc họp đã trực tiếp giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của các cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Chi cục tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở trong quá trình hoạt động chăn nuôi để có cơ sở làm việc, kiến nghị các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong quá trình hoạt động.
Ngoài ra, tại cuộc họp, Ông Nguyễn Hữu Thiết cũng trình bày sự quan tâm, nỗ lực của Thành phố trong việc hỗ trợ ngành chăn nuôi địa phương, đặc biệt trong việc triển khai kịp thời Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2024 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Ông Nguyễn Hữu Thiết – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y phát biểu tại cuộc họp
Nghị định số 106/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/09/2024 , được xem là một đòn bẩy chính sách quan trọng, mang đến nhiều cơ hội hỗ trợ thiết thực cho ngành chăn nuôi, bao gồm các lĩnh vực như sản xuất thức ăn chăn nuôi, phát triển thị trường, di dời cơ sở, cải thiện giống và đặc biệt là xử lý chất thải chăn nuôi.
Nghị định số 106/2024/NĐ-CP và cơ hội cho các cơ sở chăn nuôi:
Đối với các các cơ sở chăn nuôi, Nghị định số 106/2024/NĐ-CP mở ra nhiều tiềm năng hỗ trợ đáng kể:
1. Xử lý chất thải (Điều 10): Mức hỗ trợ xây dựng mới công trình khí sinh học (biogas) có thể lên đến 1 tỷ đồng/công trình và hỗ trợ mua sản phẩm xử lý chất thải lên đến 100 triệu đồng/cơ sở. Hỗ trợ mua vật tư, thiết bị an toàn sinh học cũng lên đến 200 triệu đồng/cơ sở. Đây là nguồn lực quan trọng giúp các trang trại lớn giải quyết bài toán môi trường hiệu quả.
2. Di dời cơ sở (Điều 7): Trong bối cảnh đô thị hóa, chính sách hỗ trợ di dời với mức hỗ trợ mua sắm thiết bị lên đến 10 tỷ đồng/cơ sở và chi phí di dời vật nuôi đến 500 triệu đồng/cơ sở là rất cần thiết cho các trang trại thuộc diện phải di dời.
3. Sản xuất thức ăn (Điều 5): Hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng trồng nguyên liệu (tối đa 5 tỷ đồng/dự án), mua thiết bị chế biến phụ phẩm (tối đa 1 tỷ đồng/dự án, yêu cầu công suất lớn), mua silo thức ăn (tối đa 100 triệu đồng/dự án) giúp các trang trại lớn chủ động hơn về nguồn thức ăn, giảm chi phí.
4. Cải thiện giống (Điều 8): Hỗ trợ 100% vật tư và công phối giống nhân tạo (TTNT) giúp nâng cao chất lượng đàn vật nuôi.
Hình ảnh hội trường tham dự với sự có mặt của trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại Bình Chánh
Hướng tới Giải pháp Thực tiễn:
Cuộc họp do ông Nguyễn Hữu Thiết chủ trì là bước đi chủ động của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM nhằm nắm bắt thực trạng, tiếp nhận phản hồi trực tiếp từ các cơ sở chăn nuôi có quy mô chăn nuôi trang trại lớn – đối tượng đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố.
Thông qua cuộc họp đối thoại cởi mở, Chi cục và các trang trại có thể cùng nhau xác định những điểm nghẽn, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khả thi, từ đó góp phần hoàn thiện các hướng dẫn, cơ chế phối hợp, giúp các cơ sở chăn nuôi tận dụng tốt hơn các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, an toàn và hiện đại./.
Nguồn và nội dung liên quan
Tin tức hoạt động
Add comment